Theo thời gian cách đặt tên cho con cũng biến đổi cho phù hợp với xu hướng của thời đại. Xưa thì quan niệm tên xấu chút cho dễ nuôi, tiếp đến những gia đình có sách vở thì xem thêm ngũ hành sinh khắc để chọn “tên hợp tuổi”.
Cho đến những năm gần đây, nhiều cách đặt tên hay cũng được phát triển và cá nhân hóa nhiều hơn. Không còn khuôn khổ, nặng nề khuôn phép mà phong phú cá tính hơn.
10 cách đặt tên cho con dưới đây, mỗi cách đều có điểm hay và những điểm cần chú ý nên tránh. Ba mẹ tùy theo tình hình thực tế về họ, về quan điểm và mong muốn của mình, sử dụng một vài cách đặt tên phù hợp mục đích để tìm được cái tên có ý nghĩa nhất.
Đặt tên 4 chữ theo họ ba và họ mẹ
Xu hướng đặt tên 4 chữ được sử dụng khá nhiều khoảng chục năm trở lại đây. Theo số liệu tự thống kê, tên 4 chữ đã bắt đầu manh nha từ những năm 2000, tuy nhiên, cho tới những năm gần đây, số lượng ba mẹ đặt tên 4 chữ cho con ngày càng nhiều.
Qua tìm hiểu, đây là những ba mẹ trẻ, được tiếp xúc nhiều với thời đại internet, làm quen với nhiều luồng văn hóa và quan điểm khác nhau. Việc mang thai, sinh nở, cho đến chăm sóc, dạy dỗ con trẻ được quan tâm chi tiết nhiều hơn. Bởi vậy, đặt tên cho con cũng mang nhiều ý nghĩa thời đại hơn.
Một dẫn chứng cụ thể là việc “cố tình” hạn chế không sử dụng tên đệm có chữ “Văn” cho con trai và chữ “Thị” cho con gái, cho thấy mong muốn được “cá nhân hóa” tên con nhiều hơn.
Giải pháp được đưa ra là đặt tên con “dài hơn”. Các ba mẹ chọn cách sử dụng 4 chữ để đặt tên. Và cách an toàn hơn cả, vẫn giữ nguyên cặp tên đệm và tên gọi, chỉ cần ghép họ ba và họ mẹ lại, là đã được một cái tên hay, mang được “tình yêu” của ba mẹ vào trong đó.
Ngoài ra, cũng phải kể đến rất nhiều trường hợp, bên nhà vợ không có con trai, nên thường người chồng cũng hay động viên bên đằng vợ; bằng cách đặt kèm họ của vợ vào. Đấy cũng là một điểm sáng trong vấn đề chia sẻ giữa 2 vợ chồng.
Ví dụ ý tưởng đặt tên 4 chữ có họ ba và họ mẹ
Ví dụ 1: Họ ba là Nguyễn, họ mẹ là Phan
Ba mẹ muốn đặt tên con là Hoài Phương. Nếu tên 3 chữ thì sẽ là: Nguyễn Hoài Phương. Khá là phổ biến!
Thêm họ mẹ sẽ thành 4 chữ: Nguyễn Phan Hoài Phương. Nghe rất “nữ tính” và “đẹp” hơn tên 3 chữ. Ba mẹ đều vui !!!
Cứ từ tên 3 chữ, thêm họ mẹ vào để thành 4 chữ. Chú ý là tên đệm của con cần phải thuận miệng với họ của mẹ:
- Nguyễn Yến Linh thành: Nguyễn Phan Yến Linh
- Nguyễn Thảo Anh thành: Nguyễn Phan Thảo Anh
- Nguyễn Như Thùy thành: Nguyễn Phan Như Thùy
- Nguyễn Linh Đan thành: Nguyễn Phan Linh Đan
- Nguyễn Hoài An thành: Nguyễn Phan Hoài An
Có vẻ những tên 3 chữ ở trên khi thêm họ mẹ vào làm cho tên 4 chữ được “mềm” ra, nghe rất “nữ tính”.
Ví dụ 2: Họ Trần của ba cũng hay được ghép với họ Lê của mẹ
Có trường hợp thực tế, ba mẹ rất thích tên con là Trúc Nhi, nhưng vì ba là họ Trần, nếu sử dụng tên 3 chữ sẽ là: Trần Trúc Nhi. Có 2 âm “tr” liền nhau, nghe khá nặng và khó phát âm. Tạo cảm giác tên bị cứng, cho dù tên Trúc Nhi nghe rất hay, mang hình tượng người con gái nhanh nhẹn, hoạt bát, vui vẻ bên ngoài, còn bên trong thì mạnh mẽ, khẳng khái, ngay thẳng, tốt bụng.
Bởi ý nghĩa của tên Trúc Nhi khá là được ba mẹ thích thú. Cho nên cả 2 người cùng đồng ý lót thêm họ của mẹ vào nữa. Tạo thành tên 4 chữ: Trần Lê Trúc Nhi. Đọc khá là thuận miệng rồi. Tên nghe mềm mại hơn so với 3 chữ. Ba mẹ đồng ý cả 2 tay !!!
Rất nhiều ví dụ tương tự:
- Trần Như Ngọc (tên dễ bị suy diễn) trở thành: Trần Lê Như Ngọc (không còn bị suy diễn)
- Trần Trà My thành: Trần Lê Trà My
- Trần Thảo Nhi thành: Trần Lê Thảo Nhi
- Trần Quỳnh Anh thành: Trần Lê Quỳnh Anh
- Trần Ngọc Bích thành: Trần Lê Ngọc Bích
Ba mẹ cứ đọc tên 3 chữ và tên 4 chữ có lót họ mẹ. So sánh 2 cách đọc, cách nào mang cảm giác tốt hơn (nam tính cho con trai hay nữ tính cho con gái) thì chọn tên theo cách đó.
Những lưu ý khi đặt tên 4 chữ có lót họ mẹ
Họ Việt Nam rất đa dạng và phong phú với 54 dân tộc bởi thế việc ghép họ bố với họ mẹ không phải lúc nào cũng thành công.
Lưu ý 1: Họ bố và mẹ đi với nhau mang ý nghĩa “không ổn” thì không nên ghép. Chẳng hạn bố là Phí Minh Tuấn, mẹ là Phạm Phương Thảo. Ghép họ bố với họ mẹ thành “Phí Phạm” quả là không ổn rồi. Trường hợp này không thể dùng họ mẹ kèm theo.
Lưu ý 2: Khi ghép họ mẹ vào, đọc họ bố với họ mẹ hoặc họ mẹ với tên đệm mà khó phát âm thì cũng nên chọn tên đệm khác hoặc không sử dụng họ mẹ.
Chẳng hạn, họ bố là Đặng, họ mẹ là Lại. Nếu ghép vào thì thành “Đặng Lại”, phát âm không thực sự dễ dàng. Nên tránh.
Đặt tên 4 chữ sáng tạo
Nếu tên 4 chữ với họ mẹ được lót vào tên con là một cách đặt tên “an toàn” thì tại thời điểm này, tên với họ ba và họ mẹ được ghép vào cũng xảy ra nhiều hiện tượng trùng lặp. Đa phần nhiều cặp vợ chồng trẻ đang có xu hướng sử dụng nhiều tên lót khác nữa để sáng tạo ra những cặp tên vô cùng độc đáo và ý nghĩa.
Điểm độc đáo của sự sáng tạo là tính không trùng lặp. Chẳng hạn:
Lê Gia Bảo, đặt tên sáng tạo: Lê Phước Gia Bảo – con là báu vật của ba mẹ, cũng là phước đức của ba mẹ, và con cũng là người có nhiều phước lộc sau này.
Nguyễn An Khang, đặt tên sáng tạo: Nguyễn Trí An Khang – với tên 3 chữ, con luôn bình an, mạnh khỏe. Với tên 4 chữ, con còn có trí tuệ, thông minh và tài giỏi.
Huỳnh Diệu Trinh, tên 4 chữ sáng tạo: Huỳnh Nhật Diệu Trinh – nghe có vẻ thêm phần “kiểu cách” hơn so với tên 3 chữ ban đầu.
Tuy nhiên, bởi sự sáng tạo là cái mới, luôn chứa đựng rủi ro. Ở đây có những cái tên khá mới, mọi người “chưa quen”, dễ mang cảm giác “là lạ”, “ngường ngượng”, nhiều khi người ta lại thấy hơi “vô lý” và có phần “kỳ quặc”.
Nhưng không sao, chẳng phải trước đây đa phần toàn đặt tên lót có “văn” với “thị”, sau đó bỏ. Tiếp tới là họ mẹ được ghép vào, ban đầu ai cũng thấy “kì kì”, rồi sau lại trở thành xu hướng, thời thượng đó thôi?
Đặt tên theo kỷ niệm
Bất kể tình yêu nào cũng đều có những kỷ niệm của riêng nó. Các cặp vợ chồng son nếu có con sớm, những kỷ niệm ngọt ngào vẫn còn thổn thức. Họ thường lựa chọn cách đặt tên này.
Nơi lần đầu gặp nhau là cạnh con sông êm đềm thơ mộng. Ba mẹ đặt tên con là: Huỳnh Ngọc Lam Giang.
Hai người lần đầu tiên đi du lịch, cùng nhau ngắm mặt trời mọc trên biển, lãng mạn, tươi sáng. Ba mẹ đặt tên con là: Trịnh Vũ Bình Minh.
Cậu chuyện từ hồi cấp 3, bạn nữ đến thăm một bạn nam đang ốm. Vì bố mẹ vẫn phải đi làm, người bạn nam đến tận trưa, lúc bạn nữ tới thăm vẫn chưa ăn gì. Bạn nữ đã đã ở lại và nấu cho người bạn nam đó một nồi cháo nhỏ. Câu chuyện đó vẫn luôn ở lại trong ký ức của ba mẹ. Cho đến tận khi 2 người có được một bé gái đầu lòng, đã quyết định đặt tên con là: Nguyễn Hằng Phương Tâm.
Họ kể rằng, “Hằng” có nghĩa là bất biến, là vĩnh cửu. “Phương” ý chỉ đối phương, là 2 người với nhau. “Tâm” chính là tâm ý, là kỷ niệm về câu chuyện cấp 3 đã khởi đầu cho tình yêu của họ. Tên con Nguyễn Hằng Phương Tâm gợi lên kỷ niệm về tình yêu bất diệt của 2 người.
— Câu chuyện về đặt tên con theo kỷ niệm được kể lại.
Đặt tên theo sự kiện
Sự kiện mang tính quốc gia hay thời đại thường được ba mẹ sử dụng làm xuất phát điểm để đặt tên cho con. Cách này rất hay được sử dụng trong văn hóa của người phương Tây. Tại Việt Nam, nhiều ba mẹ cũng đã bắt đầu sử dụng cách đặt tên này một cách khéo léo và đầy ý nghĩa.
Vào ngày 12/5/2019, đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc Vesak 2019 được tổ chức tại Việt Nam. Qua sự kiện trọng đại này, rất nhiều ba mẹ đã lựa chọn đặt cho con những cái tên mang hơi thở của từ bi hỷ xả, đức độ, phúc phần.
Tên con là Tuệ Minh
Tuệ Minh có trí tuệ và sáng suốt. Đây là nghĩa trực tiếp của tên. Đối với Phật Giáo luôn đề cao về Tuệ và Tam Minh, sử dụng trí tuệ (xem Giới – Định – Tuệ) làm phương tiện để giác ngộ (loại bỏ được vô minh). Người thông minh, hiểu biết, có kiến thức, có trí tuệ, nhưng không hiểu được chân lý, không sáng suốt, vẫn bị vô minh bủa vây, thì không thể giác ngộ, để lên tới cảnh giới của các vị A-La-Hán, Bồ Tát và Phật được.
Đặt tên con là Tuệ Minh, ước mơ ba mẹ rất giản dị, đối với bản thân, hãy luôn ham học hỏi, có kiến thức, có tư duy; đối với xã hội, biết cái nào là đúng, cái nào là sai, làm theo lẽ phải, nhìn nhận sáng suốt, hiểu biết chân lý, sống thiện lương.
Nào có cầu vinh hoa, nào có cầu phú quý, cũng không cầu cuộc sống dễ dàng. Con sẽ tự học hỏi, rèn luyện, vươn lên và chinh phục thử thách bằng năng lực của bản thân.
Tên con là Tâm An
Tâm An giữ suy nghĩ được an yên, yên bình. Những Phật tử thường chúc nhau “Thân Tâm An Lạc”, tức là chúc cho người có sức khỏe và tinh thần được vui vẻ. Đây là ý nghĩa “giản dị” nhất của tên Tâm An.
Đặt tên con là Tâm An, ba mẹ hiểu được, hạnh phúc chân thực nhất đến với con xuất phát từ chính bản thân của con. Tâm được an yên là do mình làm chủ. Cuộc sống mai sau, chắc hẳn sẽ có nhiều thử thách, nhưng con yêu, con hãy luôn bình yên, giữ cho tâm hồn luôn tươi vui, hạnh phúc sẽ luôn bên con.
Con sẽ hiểu được cái lý của hạnh phúc trong cuộc sống này. Biết tu tâm, dưỡng tánh, tự soi sáng tâm thức, rèn luyện và tu tập bản thân.
Công thức đặt tên theo sự kiện, là ba mẹ chọn lựa sự kiện nào đó có ý nghĩa với bản thân. Sau đó xác định xem những đặc điểm nào thể hiện “tinh thần”, “ý nghĩa” của sự kiện. Từ đó, lựa chọn những cái tên mang ý nghĩa phù hợp để cho vào danh sách tên
— Nhớ nhanh
Đặt tên theo tính cách
Có câu: “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Tính cách của mỗi đứa trẻ sinh ra đều có những nét đặc trưng riêng biệt. Ngay cả 2 anh em song sinh, sinh cùng năm, cùng tháng, cùng ngày, cùng giờ, được nuôi trong 1 gia đình với cùng 1 hoàn cảnh lớn lên, vẫn có tính cách riêng của chúng.
Là cha mẹ, không ai không muốn con có những phẩm chất tốt đẹp, giúp hình thành những đức tính tốt. Dưới đây là một vài cái tên thể hiện được những tính cách tốt đẹp mà ba mẹ có thể tham khảo khi nghiên cứu cách đặt tên con.
Tên thể hiện tính cách: Hoài Bão, Đĩnh Đạc, Nghiêm Túc
Thường được sử dụng cho con trai, nhưng con gái vẫn có không ít. Chẳng hạn:
Thái Sơn: ngọn núi lớn và hùng vĩ. Hình tượng gợi tới người con trai mạnh mẽ, đĩnh đạc, đầy hoài bão.
Hải Đăng: ngọn đèn dẫn đường ở biển. Hình tượng ngọn hải đăng giữa phong ba bão táp ngoài khơi luôn là ngọn đèn chỉ lối cho người đi biển thể hiện sự kiên định, vững vàng và nghiêm túc với công việc của mình. Điều đó thể hiện ở những con người chín chắn, đĩnh đạc và có hoài bão.
Tên thể hiện tính cách: Thân Thiện, Vui Vẻ, Hòa Đồng
Có khá nhiều tên nằm trong cụm tính cách này. Ý nghĩa trực tiếp hoặc gián tiếp, chẳng hạn:
Gia Khánh: chỉ sự vui mừng, tươi vui, trong lòng đầy hào hứng, phấn khởi.
Khả Hân: hân hoan, vui vẻ, mang tới tin vui cho mọi người.
Đặt tên theo mong ước
Ba mẹ nào sinh con ra, cũng đều có những mong ước, kỳ vọng vào con. Có thể không nói ra, thậm chí không thừa nhận, nhưng trong sâu thẳm, những bậc làm cha, làm mẹ, chí ít cũng có những nỗi niềm đặt vào con. Bởi vậy, đặt tên con theo ước muốn của ba mẹ cũng rất phổ biến.
Những ước mong này rất đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, có thể phân loại thành một vài dạng đặc trưng như sau:
Mong ước con là người thông minh, trí tuệ
Những cái tên thể hiện ước muốn này thường xoay quanh về đỗ đạt, khoa cử, truyền thống học tập của gia đình. Chẳng hạn như:
- Minh Trí
- Kiến Văn
- Anh Kiệt
- Tuệ Linh
- Mai Anh
- Quỳnh Thư
Mong ước con là người đức độ, phúc phần
Có đức thì sẽ có phúc, mà phúc chính là cội rễ của nhân sinh, bình an đến từ chữ “phúc”. Mong muốn con luôn được bình an, hạnh phúc, chi bằng sử dụng những cái tên chỉ phúc đức như:
- Gia Phúc
- Hữu Phước
- Thành Nhân
- Thanh Tâm
- Mỹ Hạnh
Đặt tên theo mùa sinh
Cách đặt tên truyền thống theo mùa sinh của con vẫn được nhiều bậc phụ huynh hiện nay sử dụng. Đặt tên theo mùa sinh không còn bị giới hạn bởi những từ khóa trực tiếp liên quan tới mùa đó mà mở rộng ra rất nhiều. Đôi khi là hàm ý, hoặc liên quan tới sự kiện mà ba mẹ muốn ghi lại.
Tên theo mùa Xuân
Mùa xuân gợi lên sức sống, tươi trẻ mãnh liệt. Là lúc ươm mần và nẩy lộc. Những cái tên theo mùa xuân luôn mang cảm giác tươi mới, vui vẻ và rộn ràng. Nó còn là niềm tin và hy vọng cho tương lai tươi sáng. Chẳng hạn:
Tên cho bé trai:
- Xuân Trường
- Xuân Phúc
- Đăng Xuân
Tên cho bé gái:
- Diễm Xuân
- Thanh Xuân
- Hoàng Yến
- Phương Mai
- Trà My
Tên theo mùa Hạ
Mùa hạ dành cho những con người năng nổ, đầy nhiệt huyết, sống hết mình vì những lý tưởng đã chọn. Bởi vậy, cái tên theo mùa Hạ cũng mang âm hưởng tràn trề mãnh liệt.
Tên bé trai:
- Triều Phong
- Thái Dương
- Hạ Vũ
Tên bé gái:
- Thùy Dương
- Hạ Vy
- Đỗ Quyên
- Ngọc Phượng
Tên theo mùa Thu
Mùa thu gợi nhớ những kỷ niệm và yêu thương. Nơi tâm hồn được thanh thái, an nhàn và rất bình yên. Những cái tên theo mùa thu cũng gợi nên sự nhẹ nhàng yêu kiều cho con gái, hoặc thấy bình an, chững chạc của con trai.
Tên bé trai:
- Hoàng Quỳ
- Bách Nhật
- Hoàng Dương
Tên bé gái:
- Thu Thủy
- Minh Nguyệt
- Thanh Thảo
- Thùy Vân
- Hải Đường
Tên theo mùa Đông
Mùa Đông tưởng lạnh lẽo nhưng lại hóa tinh khôi vô cùng. Cái tên theo mùa đông luôn tạo nên thanh điệu mạnh mẽ, trong trẻo không lẫn vào đâu được.
Tên cho bé trai:
- Đông Phong
- Hải Đông
- Niên Thanh
- Phú Quý
- Hàn Thiên
Tên cho bé gái
- Ngọc Ngân
- Lan Chi
- Đông Nhi
- Tuyết mai
Tổng kết
Linh vẫn sẽ cập nhật liên tục những cách thức đặt tên khác nữa để ba mẹ có thêm nhiều hướng nghiên cứu. Đặt tên cần có lượng dữ liệu đủ lớn và chất lượng mới có thể đưa ra những gợi ý chính xác và sáng tạo theo ý muốn cha ba mẹ.
10 cách đặt tên theo xu hướng của năm 2023 dành cho những ba mẹ đang bước đầu tìm hiểu và nghiêm túc trong việc lựa cho con một cái tên hay tên đẹp.
Ba mẹ hãy tham khảo và sử dụng dịch vụ đặt tên của Linh để có được những sự tư vấn tốt nhất, tài liệu sát nhất và công cụ tra cứu thông minh hỗ trợ ba mẹ đặt tên cho con.